Chùa Nổi làng Hoành Nhị xã Hoành Sơn
Chùa Nổi còn có tên gọi khác là: Nhật Quang Tự thuộc thôn Sơn Lâm xã Hoành Sơn- huyện Giao Thuỷ- tỉnh Nam Định. Năm 1945 xã Hoành Sơn được thành lập, sau đó lại tách thành 2 xã Giao Sơn và Giao Hà. Ngày 30/4/1985 Hoành Sơn chuyển một phần của 2 thôn Sơn Thọ, Sơn Đài về Thị trấn Ngô Đồng, phần còn lại vẫn thuộc xã Hoành Sơn. Như vậy xã Hoành Sơn ngày nay gồm các làng Hoành Nhị (thôn Sơn Lâm và  một phần của thôn Sơn Thọ, Sơn Đài cũ ), Hoành Tam, Hoành Lộ, Hoành Tứ. Hoành Nhị là tên gọi của làng cũ liên quan đến một nửa của xã Hoành Sơn và một nửa của Thị trấn Ngô Đồng, tuy đơn vị hành chính có sự phân chia nhưng quan hệ của nhân dân trong vùng vẫn gắn bó, đặc biệt một số người dân Thị trấn Ngô Đồng vẫn coi chùa Nổi là chùa của địa phương mình. 



Chùa có cái tên thật lạ là chùa Nổi, theo như lời của các cụ cao niên trong làng kể lại thì mảnh đất chùa Nổi được xây dựng bây giờ trước đây là những cồn cát cao, trẻ mục đồng  trong quá trình bới cát để bày trò chơi đã vớt được một pho tượng đồng đen, bọn trẻ chăn trâu đã khum cành cây cho pho tượng và thắp hương, hằng ngày nướng khoai, chóc để cúng. Từ khi có pho tượng, nhân dân trong vùng được yên bình, các quan tham trong làng đều lần lượt bị trừng trị. Thấy pho tượng linh thiêng, nhân dân trong vùng đã dựng chùa để thờ và lấy tên là chùa Nổi.

Chùa Nổi ngày nay không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật thờ Phật mà đây còn là nơi thờ các vị tổ có công lập làng Hoành Nhị.

Qua truyền thuyết và khảo sát địa hình có thể khái quát công việc khai khẩn lập ấp ở đây như sau:

Đầu thế kỷ XVIII, 3 dòng họ là: Phùng, Bùi, Doãn xuống miền biển phía Nam quan sát tình hình đất nổi, tính chuyện khai hoang lấn biển, thành lập quê hương mới. Lực lượng khai khẩn từ vùng Thường Tín, An Duyên (Hà Tây cũ) xuống đã tìm các dải đất ven sông dựng nhà để ở. Lúc đầu các tổ dựa vào đồng điền bằng phẳng để sản xuất, dần dần san gò, lấp trũng tạo thêm đồng ruộng. Để dẫn nước vào đồng thau chua rửa mặn, các tổ đã khơi dòng chảy tạo thành kênh Cồn Nhất, lại đào thêm các con ngòi nhỏ chạy dọc, chạy ngang vừa lấy nước tưới tiêu vừa thuận lợi cho việc chở thóc lúa, phân bón. Các cụ còn lo việc đắp đê ngăn mặn bảo vệ mùa màng. Việc khai khẩn đất đai dần dần phát triển, các cụ họ Nguyễn, Phạm, Lê, Tô, Đoàn đưa người xuống hợp sức khai khẩn, do vậy mà diện tích canh tác lên tới trên một nghìn mẫu, dân số đông tới hàng nghìn người.

Làng ở đây cũng được phân chia theo dong xóm như xóm Cát, xóm Đông, xóm Đình, xóm Đá, xóm Tây mà sau này chuyển thành các thôn Sơn Thọ, Sơn Đài, Sơn Lâm. Trong các xóm tổ chức bắc cầu qua kênh mương để đi lại cho thuận tiện, các dòng họ thiết lập từ đường để thờ cúng tổ tiên. Ngoài làng xã thì lập đền thờ Linh Lang Đại Vương theo nếp xưa mà ông cha miền quê cũ đã làm, rồi dựng chùa Nổi, lập văn chỉ thờ Khổng Tử và các bậc khoa bảng tiên hiền nhằm phát huy truyền thống hiếu học, vun trồng nếp tốt kỷ cương trật tự cho quê hương mới.

Chùa Nổi là công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng ngay từ ngày đầu khai hoang lấn biển nên nơi đây đã quy tụ được đông đảo các tín đồ Phật tử toàn vùng. Do cảnh quan khu di tích được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm tôn tạo để đáp ứng đời sống tâm linh đông đảo tín đồ Phật tử trong và ngoài xã.

Công trình thờ Phật cũng như thờ các vị thủy tổ có công khai khẩn điền địa tuy xây dựng trên vùng đất mới nhưng phong cách kiến trúc cũng như đồ thờ tự đều mang đậm nét truyền thống dân tộc. Đây là một quần thể di tích khá lớn bao gồm các tòa bái đường, tam bảo, nhà tổ, phủ thờ mẫu, nhà khách, tăng phòng với 24 gian lớn nhỏ. Ngoài ra ở đây còn có gác chuông làm theo kiểu chồng diêm ba tầng, tường hoa, tường bao cùng với cây cổ thụ, cây lưu liên hòa nhập với công trình, tạo nét trầm mặc, cổ kính, tôn nghiêm.

Bái đường và tam bảo là hai công trình kiến trúc kiến trúc chính làm theo kiểu chữ "đinh", giao mái phẳng phiu, lợp ngói nam đều đặn theo phong cách dân tộc. Tòa bái đương 5 gian tuy xây dựng bằng vôi gạch nhưng vẫn tạo kiểu chồng diêm theo loại công trình cổ vừa có chiều cao vừa duyên dáng. Hệ thống bờ bảng, dậu hoa, đấu trụ cột đầu hồi được xây dựng  công phu đắp tỉa họa tiết  tứ linh, tứ quý sinh động. Phía trong tòa bái đường và tam bảo được thiết kế theo kiểu cuốn vành mai kết hợp với xà trụ, cửa võng trạm khắc hổ phù, hoa lá cách điệu. Phía trong tam bảo là nhà thờ tổ có 5 gian, bên phải là phủ mẫu, nhà khách. Chùa Nổi được xây dựng song song với thời kỳ khai hoang lấn biển, lập làng xã. Công trình ban đầu còn nhỏ, lợp bổi lấy chỗ cho dân đến lễ Phật. Đầu thế kỷ XVIII chùa được xây dựng bằng gỗ lim, lợp ngói ta. Sang thế kỷ thứ XIX nhà chùa và nhân dân địa phương lại xây dựng thêm chùa bái đường. Trải qua hơn 2 thế kỷ, 12 vị sư về trụ trì đã trở thành sư tổ, các vị đều hết lòng phụng đạo, xây dựng nội, ngoại thất chùa ngày một khang trang.

Chùa Nổi còn là di tích lịch sử liên quan đến kháng chiến. Cố nhà sư Bùi Phúc Hải nguyên là trụ trì của chùa không chỉ là người có công xây dựng mở rộng ngôi chùa mà còn là  một nhà yêu nước. Nhà sư đã biết gắn việc đạo với việc đời biến chùa thành cơ sở cách mạng và kháng chiến. Trước ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Chùa Nổi là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Huyện ủy, là nơi nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ cách Mạng trong đó có ông Tô Ngọc, Tô Giáp là cán bộ Việt Minh hoạt động ở địa phương. Để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, cán bộ Việt Minh đã lấy chùa Nổi Làm cơ sở để luyện tập quân sự và bố trí lực lượng vũ trang cướp chính quyền.

Từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 8 năm 1945, không khí đấu tranh ở Hoành Nhị rất sôi động, chính quyền tay sai ở đây cùng các xã Khắc Nhất, Hoành Lộ, Hoành Tam, Hoành Tứ hoảng sợ đã nhanh chóng tan rã quy hàng. Tại Chùa Nổi đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, đồng thời chào mừng chính quyền lâm thời dân chủ nhân dân ra đời.

Đầu năm 1947-1948 thực dân Pháp mở nhiều cuộc càn quét từ thành phố Nam Định ra ngoại thành, xã Hoành Sơn huyện Giao Thủy lúc này là nơi cung cấp sức người sức của cho tiền tuyến. Trong phong trào tòng quân cứu nước, đệ tử của các cụ Phúc Hải nhiều người đã cởi áo cà sa lên đường đánh giặc.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1965-1972) chùa Nổi được sử dụng làm trụ sở của cơ quan huyện. Nơi đây còn là chỗ hội họp, học tập chủ trương đường lối, động viên con em lên đường đánh giặc cứu nước, trong suốt thời kỳ này nhà chùa đã hết lòng giúp đỡ, nhường mọi thuận lợi để các cơ quan của huyện hoàn thành nhiệm vụ.

Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu Chùa Nổi đã được UBND tỉnh Nam Định cấp Bằng Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh.

                                                                                                                                                 Như Quỳnh






image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1