Đền chùa Hoành Lộ xã Hoành Sơn
Đền chùa Hoành Lộ là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, được tọa lạc trên phần đất của làng Hoành Lộ xã Hoành Sơn huyện Giao Thủy. Căn cứ vào các nguồn tư liệu đặc biệt là tấm bia niên hiệu Thành Thái năm thứ 4 (1892) hiện còn tại chùa thì lịch sử vùng đất Hoành Lộ đã được hình thành vào thời Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng (1578-1599).

Trước Cách Mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất Hoành Sơn trước đây bao gồm 5 làng là: Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ và Khắc Nhất thuộc hai tổng Hoành Nha và Hoành Thu. Từ sau Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 đến năm 1947 2 làng Hoành Nhị và Khắc Nhất được sáp nhập thành xã Hoành Sơn. Cũng vào năm đó các làng Hoành Tam, Hoành Lộ, Hoành Tứ được nhập thành xã Liên Hoành. Đầu năm 1952 xã Hoành Sơn đổi tên thành xã Giao Sơn, xã Liên Hoành đổi tên thành xã Giao Hoành. Đến năm 1969 hai xã Giao Sơn, Giao Hoành được sáp nhập thành xã Hoành Sơn.




Đình làng Hoành Lộ

Đền chùa Hoành Lộ nằm ở trung tâm xóm 4 và xóm 5 xã Hoành Sơn, hai di tích nằm kề sát với trục đường Tiến Hải.

Đền Hoành Lộ thờ các vị tổ có công khai hoang lấn biển tạo lập làng xã. Qua việc tìm hiểu truyền thuyết và khảo sát điền dã và nghiên cứu một số tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại di tích, có thể khái quát công cuộc khai khẩn đất hoang, thành lập làng Hoành Lộ như sau: Theo sách: “Sơn Nam phong vật chí” của tác  giả Hà Tông Quyền viết vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) thì vào thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1460-1497), triều đình có chủ trương khuyến khích nông dân khai phá các vùng hoang hóa để tạo nên những vùng đất mới nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Được sự khuyến khích của triều đình, nhân dân ở nhiều nơi đã kéo về khai hoang, lấn biển ở vùng ở vùng đất Sơn Nam để tạo nên những làng quê mới. Lúc này theo dòng chảy của con sông Hồng, đại bộ phận dân cư từ nhiều nơi đã đến khai hoang tại vùng đất Hoành Lộ. Những vị tổ đầu tiên đặt chân tới đây thuộc các dòng họ: Nguyễn, Doãn, Lê, Đặng, Phạm, Trần, Vũ ... họ là những người dân xuống từ vùng đất Hà Nam, Hà Tây và Hà Nội. Về sau còn có thêm 3 dòng họ: Bùi, Đỗ, Cao từ vùng Kim Động thuộc tỉnh Hưng Yên tới đây hợp sức khai hoang… Kết quả hàng loạt các cánh đồng được đắp bờ vùng bờ thửa để thuận tiện cho việc trồng lúa nước như các cánh đồng: Cao Táo, Gia Hưng, Quán Thổ, Ương Trì, Ương Lục... Thành quả và công sức của các ông tổ lập làng được nhân dân địa phương ghi nhận và Đền Hoành Lộ được xây dựng để thờ đương cảnh thành hoàng Tây Hải Phạn Đại Vương và các ông tổ có công lập làng Hoành Lộ.

Đền Hoành Lộ được xây dựng trên một khu đất cao ráo có diện tích gần một mẫu Bắc Bộ thuộc xóm 5 xã Hoành Sơn. Ngôi đền xây dựng quay về hướng Đông, trước đền là nghi môn cao to, bề thế. Chính giữa là hai cột đồng trụ cao trên 5 mét được chia làm ba phần, chân đế, thân và đỉnh. Chân đế là một khối bốn mặt phía giữa phình ra rồi thu nhỏ dần về hai bên tạo thành một cái nền vững chắc. Bên cạnh cổng chính còn có hai cổng phụ xây dựng cân đối theo kiểu “chồng diêm”, hai tầng tám mái có đao góc và lợp giả ngói ống. Hệ thống nghi môn của đền Hoành Lộ được xây dựng hết sức cân đối theo một tỷ lệ thích hợp, đã tạo lên được sự khang trang bề thế, hơn nữa công trình còn tạo thành thế khép kín bảo vệ an toàn cho di tích.

Qua hệ thống nghi môn là vào đến một sân rộng, được lát gạch sạch sẽ, ngăn cách giữa khu vườn với sân là dãy tường hoa xây thấp có bổ trụ và trang trí gạch thông gió. Tổng thể ngôi đền được dựng theo kiểu chữ "đinh" với độ cao của công trình hơn mặt sân khoảng 50cm nên người xưa đã xây bậc tam cấp để tiện cho việc đi lại. Đứng từ xa nhìn lại, đền Hoành Lộ được xây dựng nổi bật lên bởi hệ thống lầu gác nhiều tầng, các tòa lầu gác được xây dựng hết sức cầu kỳ ở cung cấm và hai bên hậu lâu của tòa tiền đường với hai, ba lớp mái. Hệ thống lâu gác được xây dựng cân đối đã làm tăng thêm sự tôn nghiêm cho nơi thờ tự, hơn thế còn tạo sự bề thế cho công trình kiến trúc.
Tòa tiền đường đền Hoành Lộ gồm ba gian, hai trái. Với hai đầu hồi xây bít đốc. Chính giữa tòa tiền đường là hệ thống cửa ra vào, chúng được gia công theo kiểu "thượng chấn song, hạ bức bàn" rất chắc chắn. Tiếp giáp với đầu hồi về phía ngoài là hai cột trụ được xây nhô ra để đỡ tường bờ chảy. Toàn bộ phần bờ nóc của ngôi đền được đắp cao hơn, lượn cong về hai phía và dừng lại ở họa tiết “lưỡng long” đắp nổi rất độc đáo. Toàn bộ phần mái và bờ nóc của công trình đều được trang trí tạo dáng chau chuốt, khéo léo góp phần tôn thêm sự uy nghiêm cho công trình kiến trúc.

Tiếp giáp với tòa tiền đường là tòa trung đường và hậu cung. Trung đường và hậu cung được xây quay dọc giao mái bắt vần với toà tiền đường tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Tòa trung đường gồm ba gian, được thiết kế vững chắc bằng các cột cái với chất liệu bê tông giả gỗ (trước đây là cột gỗ lim) đứng song song chịu lực. Các cột cái được liên kết với nhau bằng hệ thống “vỉ ruồi” được xây bằng gạch, sau đó lại được xây cuốn thành một bộ vì kèo truyền thống. Nằm phía trên của hệ thống vì kèo là các con hoành vuông cùng với thượng lương chạy dọc theo suốt chiều sâu cuả ba gian trung đường.

Ngăn cách với trung đường và cung cấm là hệ thống vách thuận được xây bằng gạch, phía trên nóc có đắp họa tiết “hổ phù” oai nghiêm, phía dưới có 4 chữ Hán “thánh cung vạn tuế” nghĩa là “chúc thánh muôn tuổi” được đắp nổi. Hai bên cửa ra vào được trang trí hình ảnh “phượng hàm thư” rất sinh động với màu sắc rực rỡ.

Cung cấm của đền Hoành Lộ có hai gian, các cột đã được xây to rộng hơn với kích thước mỗi cạnh là 45cm, phía trên xây cuốn vành mai có trang trí gờ chỉ nhẹ nhàng thanh thoát, phía dưới là hệ thống cửa có ba ngăn không lắp cánh. Với lối thiết kế trên đã tạo cho hậu cung ngôi đền thêm phần cao ráo, thoáng đãng.





Chùa làng Hoành Lộ

Nằm cách ngôi đền Hoành Lộ khoảng 500 m. Chùa tọa lạc trên một khu đất thoáng đãng thuộc xóm 4 xã Hoành Sơn. Qua tam quan là vào tới bái đường chùa Hoành Lộ (Vạn Phúc tự), ngôi chùa được làm theo kiểu chữ "đinh", bao gồm bái đường 5 gian 2 trái và tam bảo 3 gian. Bộ vì kèo tòa bái đường được gia công theo kiểu giá chiêng, mê cốn trốn cột. Tại mỗi bộ vì có hai cột cái cao trên 6 mét được tạo dáng bút đòng với đường kính cột 30cm. Hai cột cái được liên kết chặt chẽ với nhau bằng hệ thống câu đầu. Phía trên những câu đầu là những tấm ván mê dày, được tạo dáng giống hình tam giác cân, phía dưới có khoét lòng tạo nên sự thông thoáng. Ở gian phía ngoài tòa bái đường là nơi tiếp giáp với hệ thống cửa, những người thợ xây dựng chùa Hoành Lộ đã bớt đi một hệ thống cột quân, thay thế vào đó là những chiếc cột trốn, chúng được kê lên hệ thống đấu cánh sen kép với nhiều lớp cánh khá cầu kỳ. Sau đó những chiếc đấu này lại dồn lực xuống các thanh xà nách nối giữa cột cái với cột hiên. Cách thiết kế bộ vì kèo như trên đã làm cho không gian nơi thờ Phật thêm rộng rãi.

Hệ thống bẩy tiền của chùa Hoành Lộ còn được đục chạm rất phong phú các đề tài trang trí như tứ linh, tứ quý với đường nét chắc khỏe, mạch lạc, khiến cho tòa bái đường không những chắc chắn về kỹ thuật mà còn rất đẹp ở nghệ thuật điêu khắc. Nối tiếp với tòa bái đường là ba gian tam bảo. Tam bảo được liên kết với bái đường bằng cách thức giao mái, tại đây hệ thống cột chịu lực đã được xây bằng gạch với kích thước to rộng. Toàn bộ phần mái của tam bảo đều được lợp bằng ngói nam, phía trên giáp với mái được xây cuốn đắp gờ chỉ nổi và vẽ họa tiết cánh sen, vân ám khá công phu và đẹp mắt. Tại hệ thống cột này có treo các câu đối được làm theo kiểu “lòng máng” ôm khít lấy thân cột đã tạo lên sự trang nghiêm cho nơi thờ Phật. Xếp đặt vào chính giữa của hệ thống cột cái là lớp tượng Phật được chia làm 6 cấp, đã tạo lên được một sự phong phú về tượng pháp cho ngôi chùa.

Nằm về phía sau của chùa Hoành Lộ còn có hệ thống nhà thờ tổ, phủ mẫu. Công trình được xây dựng đối xứng với nhau qua một sân rộng lát gạch sạch sẽ tạo thành thế tay ngai bảo vệ sự an toàn, khép kín cho ngôi chùa. Các công trình trên đều được xây dựng bề thế khang trang với nhà tổ 5 gian, phủ mẫu 3 gian, tuy đều là các công trình mới nhưng những người thợ địa phương đều tuân thủ theo phong cách xây dựng truyền thống: xây cuốn, lợp ngói nam, đắp gờ chỉ, trang trí các đề tài “Lưỡng long chầu nguyệt”, “vân ám”, “phượng vũ” làm cho công trình thêm phần trang trọng nhưng vẫn mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền.


Cây đa đình làng Hoành Lộ được công nhận là cây di sản Việt Nam

Ngày nay tại Di tích Đền chùa Hoành Lộ diễn ra rất nhiều ngày lễ như: Ngày lễ Vu Lan 15/7 (AL), ngày lễ Phật Đản 14/4 (AL) được tổ chức tại chùa và ngày 15 tháng 02 (âm lịch) là ngày giỗ của 11 ông tổ của các dòng họ đã có công khai hoang mở đất. Đây là lễ hội chính được tổ chức tại đền đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng và ngày 15/2 hàng năm còn là ngày gặp gỡ, tụ hội của lớp lớp con cháu đang làm ăn sinh sống xa quê hương. 
Đền chùa Hoành Lộ còn là di tích gắn với phong trào Cách mạng của địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khu di tích đền chùa Hoành Lộ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Năm 1945 tại Đền Hoành Lộ, Ủy ban Cách mạng lâm thời được thanh lập chấm dứt giai đoạn cực khổ lầm than cho nhân dân, đội tự vệ của xã thường xuyên sử dụng khu vực đền chùa Hoành Lộ làm nơi luyện tập quân sự.Trong thời kỳ “hai năm bốn tháng” từ tháng 10/1949 đến tháng 2/1952, chùa Hoành Lộ trở thành đường dây liên lạc giữa vùng tự do Thái Bình với vùng bị giặc tạm chiếm. Hầu hết các chỉ thị, tài liệu của Đảng thường được cất giấu tại Đền Hoành Lộ, sau đó mới được phân tán đi sâu vào các cơ sở bí mật.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975), nhân dân làng Hoành Lộ đã phát huy truyền thống tốt đẹp bảo vệ đất nước hăng hái thu đua sản xuất lập thánh tích hướng về miền Nam ruột thịt, đền chùa Hoành Lộ là nơi đón tiếp đưa tiễn những người con quê hương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn này, tại đền chùa Hoành Lộ quần chúng nhân dân đã tiễn nhà sư Thích Tâm Thanh lên đường nhập ngũ vào Nam đánh giặc.

Qúa trình thành lập mở đất và đấu tranh bảo vệ quê hương của người dân vùng đất Hoành Sơn là cả quá trình gian lao vất vả tốn bao mồ hôi công sức và máu xương của nhiều thế hệ. Đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc, tại Đền chùa Hoành Lộ cùng nhiều cơ sở khác trong xã trở thành nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng cùng nhiều tài liệu bí mật của Đảng, quân trang, quân dụng của các đơn vị bộ đội để phục vụ kháng chiến. Mặc dù bị chiếm đóng, tàn phá chịu nhiều mất mát nhưng cán bộ và nhân dân trong xã đã một lòng một dạ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây cùng là một nét đẹp làm rạng tỡ thêm truyền thống anh hùng của quê hương xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy.

 

                                                                                                     Như Quỳnh







image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1