NHỮNG LỢI ÍCH LẬP TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ

    Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân), được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, do Bộ Công an phát triển.

    Để người dân hiểu và biết về lợi ích việc lập số tài khoản định danh điện tử, đài truyền thành Hoành Sơn tuyên truyền một số nội dung sau: Định danh điện tử tạo công cụ giúp người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả thay cho việc thực hiện các giao dịch với phương pháp truyền thống (giấy tờ tùy thân, gặp mặt trực tiếp,…).

    Định danh điện tử cũng tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

    Tài khoản định danh điện tử tích hợp toàn bộ các giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử giúp công dân giảm thiểu các giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể đảm bảo các thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử.

    Cùng đó là tạo ra tiện ích giúp công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật, tin cậy.

    Ngoài ra, định danh điện tử giúp xây dựng hệ sinh thái tạo ra tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực như: dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.

    Sau đây là Một số câu hỏi và trả lời liên quan đến tài khoản định danh điện tử

    Câu hỏi: Công dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở đâu?

    Trả lời: Tùy theo nhu cầu và điều kiện của công dân để lựa chọn một trong các hình thức sau:

    - Đến trực tiếp cơ quan công an các cấp (Tỉnh/ thành phố, Quận/ huyện, Phường xã) để được hướng dẫn đăng ký mở tài khoản định danh điện tử Mức 2.

    - Thực hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử Mức 1 trên ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia.

    Câu hỏi: Điều kiện để đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử là gì?

    Trả lời: Căn cứ Quyết định số 34 ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh:

    - Đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử.

    - Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

    - Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.

    - Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm:

    + Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài).

     + Họ, tên đệm và tên.

    + Ngày, tháng năm sinh.

     + Giới tính.

    + Quốc tịch (đối với người nước ngoài).

    + Số điện thoại, email.

    Câu hỏi: Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị cùng lúc không?

     Trả lời: Theo quy định thì tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm nên công dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm.

     Câu hỏi: Trong suốt quá trình giao dịch, dữ liệu cá nhân của công dân có được đảm bảo an toàn không?

    Trả lời: Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống định danh điện tử Quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch được được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến. Do đó, công dân có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

    Câu hỏi: Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có những tính năng nào?

    Trả lời: Có rất nhiều tính năng sẽ được Bộ Công an cung cấp đến người dân thông qua ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia. Nổi bật trong đó là:

    - Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

     - Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.

     - Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

     - Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền...).

    Tất cả quy trình thực hiện giao dịch công dân có thể chủ động kiểm soát hoàn toàn, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

     Hiện nay, Bộ Công an đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng những thông tin bị lộ, lọt trên mạng Internet của công dân để giả mạo Cơ quan chức năng gọi điện cho người dân yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP xác thực gửi về điện thoại,… Sau đó, những đối tượng này dung thông tin trên đăng nhập các ứng dụng Ngân hàng online, Zalopay… của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an đề nghị người dân chú ý bảo mật thông tin cá nhân của bản thân, tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi “lạ” tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an. Nếu nhận được những cuộc gọi như trên, đề nghị người dân thông báo đến cơ quan công an gần nhất để có biện pháp kịp thời xử lý.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1