Giá trị lịch sử và công tác bảo tồn các "Cây di sản" ở Hoành Sơn
Tháng 1-2016, xã Hoành Sơn (Giao Thuỷ) có 3 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trung ương Hội Sinh vật cảnh công nhận là “Cây di sản Việt Nam”, gồm: Cây Gạo, cây Đa tía và cây Đại ở thôn Hoành Lộ. Mỗi cây di sản được vinh danh là niềm tự hào về bề dày truyền thống văn hóa của đất và người nơi đây.


Lễ đón bằng cây di sản Việt Nam tại xã Hoành Sơn

Các cây di sản được công nhận đều nằm trong khuôn viên di tích đình Hoành Lộ, tạo nên quần thể di sản độc đáo mang đậm yếu tố tâm linh và giá trị văn hoá truyền thống. Theo khảo sát, ba cây di sản tại đình đều có tuổi đời là 118 tuổi với hình dáng cổ kính, trong đó cây Đại có đường kính thân cây ở độ cao 1m là 0,8m, chiều cao tới ngọn là 10m, đường kính của tán cây 13m; cây Gạo và cây Đa tía có chiều cao tới ngọn 15-17m, đường kính tán cây đều trên 20m và đường kính thân cây ở độ cao 1m là 3-4m. Từ khi được công nhận, cả 3 cây di sản đều được gắn bia công nhận và có quy định chi tiết về việc bảo vệ theo đúng quy định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Giá trị lịch sử của đình Hoành Lộ và những cây di sản tại đình là những di tích gắn với các phong trào cách mạng của địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khu di tích đình Hoành Lộ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Năm 1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời của xã được thành lập tại đình Hoành Lộ. Đội tự vệ của xã thường xuyên sử dụng khu vực đình làm nơi luyện tập quân sự. Trong thời kỳ “Hai năm - Bốn tháng” (tháng 10-1949 đến tháng 2-1952), đình Hoành Lộ trở thành đường dây liên lạc giữa vùng tự do Thái Bình với vùng bị giặc tạm chiếm. Hầu hết các chỉ thị, tài liệu của Đảng thường được cất giấu tại đình Hoành Lộ, sau đó mới được phân tán đi sâu vào các cơ sở bí mật. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975), đình chùa Hoành Lộ là nơi đón tiếp, tiễn đưa những người con quê hương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, mỗi khi đình Hoành Lộ có việc trọng như hội làng để tưởng nhớ, tri ân công đức của các vị thành hoàng làng thì hình ảnh ngôi đình và những cây cổ thụ luôn là biểu tượng linh thiêng của người dân.

Cây đa đình làng Hoành Lộ

Theo Luật Bảo tồn di sản Việt Nam, các cây di sản được công nhận phải được quản lý theo đúng quy định, nghiêm cấm các hành vi xâm hại tới cây di sản. Đồng chí Doãn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban quản lý di tích đình Hoành Lộ cho biết: “Những cây di sản được công nhận có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hoá của người dân địa phương. Việc công nhận các cây di sản nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với tự nhiên, môi trường, đồng thời quảng bá rộng rãi sự phong phú, đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật đến công chúng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tạo nguồn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Qua đó nhằm giáo dục mọi người cần có cách nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của cây xanh có tuổi, đồng thời phát động trồng nhiều cây xanh ở mọi nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống.


Cây gạo đình làng Hoành Lộ

Tuy nhiên, hiện tại, các cây di sản tại Hoành Sơn do tuổi cao, nên có hiện tượng “lão hóa” và xuất hiện sâu bệnh, mối mọt, ký sinh trùng gây hại cho sự tồn tại của cây... Trước thực trạng trên, UBND xã đã đề nghị Sở KH và CN tham mưu với UBND tỉnh xây dựng đề tài khoa học nghiên cứu, bảo tồn quần thể thực vật cây cổ thụ tại khu di tích. Các dự án công trình nghiên cứu phục hồi cây đang dần hoàn thiện. UBND xã đã lên kế hoạch phối hợp với Sở KH và CN và các viện chuyên ngành của Trung ương cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học, môi trường tham gia nghiên cứu tìm giải pháp bảo tồn cho các cây di sản. Công tác bảo tồn bao gồm các công đoạn như: Bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng phân bón; bổ sung một số loại giun đỏ, giun khoang, giun quắn để cải tạo đất; thả một số loại lưỡng cư, bò sát để ăn các nhóm sâu bọ gây hại cho cây… Ngay sau khi xác định rõ thực trạng của các cây di sản, việc điều trị đối với từng loại cây vào từng thời điểm cũng như việc tái tạo đất, bổ sung khoáng chất, dinh dưỡng cho cây phát triển và hạn chế các yếu tố tác động gây hại cho cây sẽ giúp cây phục hồi xanh tốt, khỏe mạnh và chống chịu được sâu bệnh, kéo dài tuổi thọ, đảm bảo cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu tình cảm, tín ngưỡng của người dân địa phương đối với di tích./.

Khánh Dũng


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1